
19/08/2021
Mắc khén, hay Má-khén, là loại gia vị nổi tiếng của vùng miền núi Tây Bắc, Việt Nam.
Cây mắc khén sau khi ra trái, sẽ được hái lượm và phơi khô để dùng dần trong năm. Tuy được ví như tiêu của rừng, nhưng mắc khén hoàn toàn có hương vị và cách sử dụng khác biệt, mang đặc trưng của cộng đồng dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc.
Mắc khén ngon nhất khi được chế biến lúc quả còn tươi, vừa hái lượm, đượm màu xanh lá. Tuy nhiên, nhằm cất trữ và sử dụng dần trong năm, mắc khén tươi được phơi khô cả phần quả và phần hạt trong căn bếp của những ngôi nhà vùng cao. Thành quả là các hạt màu sẫm, mà người ta hay gọi luôn là hạt mắc khén.
Hầu hết các món ăn của đồng bào dân tộc Thái nơi đây đều sử dụng mắc khén làm gia vị. Loại gia vị này có mùi thơm nồng nàn, thơm hơn hạt Tiêu, cay nhè nhẹ, hơi gây tê khi thưởng thức, và đặc biệt hoàn hảo khi kết hợp cùng hạt Dổi. Đây là hai loại gia vị được xem là linh hồn ẩm thực nơi đây.
Mắc khén thường được dùng để chế biến cùng các món nướng, món khô truyền thống ( thịt trâu gác bếp), gia vị chấm...
Linh hồn ẩm thực Tây Bắc.