24/11/2024
Ôn Khôi - Mệ Quýt và 50 năm gìn giữ thầm lặng KHU MIẾU MỘ THIỆN KHANH VÕ TƯỚNG QUÂN
“Mấy năm đầu khổ lắm con, sân trước sân sau khu miếu nền đất mà, cỏ mọc nhanh, không để ý là ngang tới đầu gối. Mùa nắng nhổ cỏ gập người thì rám lưng. Mà vẫn còn đỡ lắm, mùa mưa bão lụt, nước lên cao ngập hết khu miếu thì phải mang tạm áo mưa đi quét rêu quét bùn con ạ”. - Bà Quýt chia sẻ
Những năm giải phóng trở về với gia đình, hai ông bà không có gì trong tay, khuôn viên chỉ có miếu thờ, lăng của Thiện Khanh Võ Tướng Quân để lại những đồ dùng sinh hoạt, trắc điếu, cẩn xà cừ,... và một mảnh nền đất.
Ông Khôi kể lại rằng, nền đất mọc cỏ rất nhanh, cao đến gần đầu gối, nhổ hết mấy ngày mới sạch trơn khoảng sân, nhưng một tuần sau đó lại đâu vào đấy, cỏ lại mọc dày hơn lớp cũ. Nhổ mãi cũng chẳng hết, cuối cùng ông bà phải làm công, ông Khôi chăm mai đem bán, bà Quýt làm mứt, trồng cây lấy quả, nội trợ; chắt chiu từng chút một để lấy tiền mua xi măng đúc từng tấm khuôn lục giác lát nền. Khoảng thời gian đầu khó khăn nhưng đến giờ ông vẫn xem đó là một vinh dự, vinh hạnh khi được nhiều người ghé tìm tới để tham quan mà từng tất gạch nền người khác đi qua đều do một tay ông đổ móng.
Trải qua gần 100 năm, di chúc bằng lời khẩu từ các bác, các ông truyền lại được dặn dò trong ngoài miếu mộ giữ nét lâu đời, rêu phong phủ kính. Nhưng dưới thời tiết khắc nghiệt của Huế, tróc sơn, mục vữa làm xuống cấp những giá trị ông bà gìn giữ.
Cứ đến mùa mưa, ông bà lại dùng cọ quét nhẹ lớp rêu khỏi bình phong, trụ biểu và mặt tiền miếu. Cọ ông dùng được ông làm thủ công, chẻ tre thành từng hàng, giã nát đầu tre đến khi tạo thành dạng tơ tơ mềm tay. Khu miếu mộ hoàn toàn được đắp bằng vôi vữa, nét vẽ ngày xưa quá mềm không làm nhanh không làm mạnh được, nếu không cẩn thận sẽ bay lớp hoa văn. Những ngày mưa lụt, nước lên đến mặt sân, ông bà phải mang áo mưa quét hết lớp rêu đến bùn xuống cho kịp nước rút.
Công phu, vất vả, kỹ lưỡng nhưng ông Khôi bà Quýt vẫn hằng ngày gìn giữ khu miếu vẹn nguyên và đầy đủ hương khói. Đến giờ, trải qua gần 50 năm gắn bó, ông Khôi vẫn ngày ngày chăm vườn, trồng mai; bà Quýt chăm lo gia đình, làm quà biếu khách; hai ông bà lo cúng giỗ trong miếu hết sức vẹn tròn, hiếu khách và luôn là người kể chuyện, dẫn dắt tự hào mỗi khi có khách đến viếng thăm.
* Thiện Khanh Võ Tướng Quân là người làng An Ninh, tên thật là Võ Văn Kiêm (1864-1939), thụy là Thiện Khanh, khởi đầu Ông học võ tại trường Anh Danh, làm quan thị vệ bảo vệ cho vua Hàm Nghi (1884-1885). Vị trí của Ông là một trong năm vị tướng quân có chức vị lớn nhất của triều Nguyễn. Ông thân là người đứng ra coi sóc, giám sát quá trình xây dựng Ứng Lăng (Lăng của vua Khải Định). Ông làm từ từ từng giai đoạn một khu miếu mộ của mình theo số tiền hưu bổng nhận được, đến năm 1936 thì hoàn thành. Năm 1939 là ông mất, thọ 75 tuổi.
—----------
Series bài viết người giữ hồn cho Huế được JiH giới thiệu đến các bạn những con người vốn xuất thân cao quý dần bị quên lãng, những nghệ nhân đang ngày đêm giữ vốn nghề cổ lại đối diện với những khó khăn cuộc sống.
Để lan tỏa lối sống, những sự cống hiến thầm lặng trong từng câu chuyện được kể và hỗ trợ sinh kế, Jih muốn giới thiệu những người giữ hồn Huế trong từng chuyến hành trình du lịch địa phương.
----------------
JOURNEYS IN HUE - Trang truyền thông về văn hoá, lịch sử và du lịch Huế của Drase Travel - Du Lịch Long Mã
🏫Address: 42 Tôn Thất Dương Kỵ, P. An Cựu, Tp. Huế
☎️Hotline/Zalo: 0903.555.576 (Mr. Tuấn)
📧Email: [email protected]
🔷 Website: www.drasetravel.com