27/10/2020
💥⚡️ĐÔI DÒNG CHIA SẺ VỀ HÀNG CỨU TRỢ MIỀN TRUNG.⚡️💥
Hôm qua và hôm nay mình thấy rất nhiều người share clip và hình ảnh những chiếc bánh chưng, bánh tét bị và đống quần áo cũ nằm trơ trọi giữa đường sau khi các Đoàn cứu trợ đi về. Và mọi người kêu gọi nhau ngưng tiếp tế cho Miền Trung vì hành động " ko biết trân trọng tấm lòng của các Mạnh Thường Quân".
Là người đã ở tại Quảng Trị và Quảng Bình trong suốt 1 tuần qua. Hiện tại Đoàn mình vẫn còn rất nhiều các Anh Chị Em ở lại Quảng Bình và Quảng Trị tiếp ứng cho bà con vùng bão lũ, mình xin được chia sẻ thêm 1 số khía cạnh để mọi người có cái nhìn chính xác và công minh cho bà con Miền Trung.
Trong 2 tuần đầu khi Miền Trung chìm trong nước, khắp nơi mênh mông là nước, không thể nhìn ra đâu là đường, đâu là sông. Nhiều người dân phải sống trên mái nhà chờ người cứu thì bà con VÔ CÙNG CẦN các lương thực ăn liền để duy trì sự sống được như: Bánh chưng, bánh tét... Và cần quần áo để chống lại cái rét, cái lạnh giữa mênh mông biển nước và gió.
Nhưng sau 1 tuần nước rút đi, giao thông các trục đường chính được mở thì rất nhiều các Đoàn cứu trợ vào tiếp tế bánh tét, bánh chưng, mì gói, quần áo cũ ...Và hầu như các Đoàn không lường trước về các vấn đề di chuyển, nên không thể mang hàng cứu trợ vào được các khu vực mà bà con đang bị cô lập hoàn toàn. Do vậy, các Đoàn chỉ phát được hàng cho các hộ dân phía ngoài đường. Và nhiều Đoàn phát đại cho hết số hàng họ mang đến để kịp rút trước khi trời tối, vì vùng này chưa có điện, nên di chuyển về trung tâm cũng khá nguy hiểm. Do vậy, nên chắc số bánh chưng , bánh tét mà các hộ dân tại các trục đường chính, đường lớn nhận được có lẽ ăn đến Tết Nguyên đán 2021 vẫn chưa hết 🙄 . Nhưng khổ nỗi, bánh chưng bánh Tét thì để được cũng chỉ được 5,7 ngày. Trong khi đó, tủ lạnh, đồ điện, bếp, nồi niêu xoong chảo...của người dân hư hoặc bị trôi sạch không còn thứ gì. Điện nước thì không có, vậy thì họ khuân bánh tét, bánh chưng về nhà làm gì, để hư bỏ đi cũng vậy thôi vì có nhà nào còn tủ lạnh, tủ đông, tủ mát để bảo quản nữa đâu.
Về quần áo cũ: Có lẽ nhiều người không biết khu vực lũ tại Quảng Bình là quê hương của bác Võ Nguyên Giáp. Mình khẳng định khu vực này người dân không nghèo. Thậm chí kinh tế còn khá giả hơn nhiều vùng khác của Miền Trung. Khi thiên tai ập đến bất ngờ, nên người dân không chuẩn bị để ứng phó kịp. Nước lũ dâng lên cao, quần áo ướt hết hoặc trôi sạch nên họ không có đủ đồ ấm để chống với cái lạnh, cái rét của gió mưa. Nhưng sau 1 tuần thì nắng lên, nước rút dần, đường xá được mở, nên họ có thể mang quần áo ra phơi khô để mặc rồi. Do vậy, họ không cần đến quần áo cũ của các Đoàn cứu trợ nữa. Mình thật sự thông cảm với họ khi họ để lại đống quần áo cũ trơ trọi nơi bến sông vì : Họ không phải là những người nghèo. Họ là những người dân 80 mới chứng kiến 1 trận lũ lịch sử. Và cũng xin đừng trách họ khi họ chỉ lấy những cái họ cần. Để lại những thứ họ không cần đến. Và theo mình, đó là cách ứng xử văn minh.
Nếu mọi người có điều kiện đi vô thuyền vô sâu vùng tâm lũ hoặc lên các khu vực miền núi ,khu người dân tộc sống ở Quảng Trị, thì đây chính xác là "đã nghèo còn gặp cái eo". Nhà cửa chỉ còn đống gỗ mục, hoặc đống gạch nát tươm. Cái gì họ cũng cần. Nhưng có lẽ cần nhất là tiền để dựng lại mái nhà che nắng che mưa. Nhà cửa sau bão lũ chỉ còn là 1 bãi tha ma, giờ mang vác 1 đống bánh tét, bánh chưng ăn ko kịp 5,3 ngày cũng hư đi đâu đây? Rồi ôm 1 đống quần áo cũ để đâu bây giờ, khi mình còn không biết trú nơi đâu cho qua mùa bão lũ này?
Cứu trợ thiên tai khác xa lắm với cứu trợ người nghèo. Xin hãy mang đến cho bà con những cái họ cần. Đừng mang cho họ những cái mình có.
Sau bão lũ, họ đã rã rời tả tơi vì những mất mát về tinh thần và vật chất lắm rồi. Xin đừng share, like, comment những hình ảnh làm trĩu nặng lòng người dân nơi tâm bão còn chưa đi qua...
Nguồn: FB Dieu Ca