
23/07/2024
Review cuốn sách viết về người Thượng ở xứ Thượng, sách mang tính chất hàn lâm - truyền thuyết của người Jrai, anh chị cân nhắc trước khi cầm lkên đọc. Cám ơn!
RỪNG, ĐÀN BÀ, ĐIÊN LOẠN của tác giả Lm. Jacques Dournes (1922-1993)
Tôi, rất hữu duyên khi một lần đi về xứ người Jorai ở Ayunpa và vô tình biết đến một số đầu sách của cố Linh Mục Jacques Dournes.
Thông qua các tác phẩm của cố ai cũng nhận ra được một điều bất hủ cho đến khi cuốn sách ra đời, đó là chỗ đứng, đó là vị thế số một của người phụ nữ trong gia đình, trong xã hội của người Jorai, không ai chối cãi được, họ là người chủ gia đình, họ là người cầm trịch của làng, làm chủ cuộc chơi trong xã hội của người Jorai, đó là một ân huệ mà Thượng Đế đã ban tặng cho các người phụ nữ bản địa trên vùng Cao nguyên trung phần Việt Nam Mỗi người đọc sẽ có một cảm nhận khác nhau, tùy theo góc nhìn, góc đọc, góc đứng của người đọc.
Một lần nữa, xin kính cẩn nghiêng mình cám ơn tác giả Cố Linh Mục Jacques Dournes, dịch giả và nhà xuất bản đã mang tác phẩm này đến với bạn đọc.
Thú thực, là một cuốn sách VỚI NHIỀU HUYỀN THOẠI mang tính chất trừu tượng, vừa đọc vừa vừa nghiền ngẫm vừa bao quát giữa cái thực và cái hư, giữa các câu chuyện từ khởi nguyên đến gần với các câu chuyện "mộng mị, mơ tưởng" tồn tại sát bên hông của con người hiện tại. Nhằm lôi người đọc từ xa xưa đến gần với thực tại; đâu phải chỉ đọc lần một lần hai mà hiểu hết ý của tác giả muốn truyền tải điều gì? nôm na là vậy, nhưng sau khi đọc đi đọc lại vài lần thì dần dần hé ra các nét văn hóa, sinh hoạt đời thường của người Jorai "ẩn thân" trong các câu chuyện truyền miệng ấy và đã được ghi chép lại trên mặt giấy bằng tiếng Pháp và được Cố J. Dournes hoàn thành về gần cuối đời, phần giới thiệu và biên dịch của "lão" nhà văn Nguyên Ngọc.
Vậy, ba yếu tố cấu thành cuốn sách này là RỪNG, ĐÀN BÀ, ĐIÊN LOẠN, với cách chơi chữ vô cùng độc đáo khi đặt tên sách, cả ba từ này torng tiếng Pháp đều bắt đầu bằng chữ F:
- RỪNG (FORẾT)
- ĐÀN BÀ (FEMME)
- ĐIÊN LOẠN (FOLIE)
- Đàn bà: Jorai là một xã hội mẫu hệ, ba chữ m: (matrilineaire) theo dòng mẹ, (matronymique) con cái mang họ mẹ, (matrilocal) vợ chồng cư trú phía nhà mẹ vợ. Người đàn bà là rường cột của xã hội ấy, là xương sống của ngôi nhà ấy, là nữ hoàng của ngôi làng, vương quốc của họ chính là ngôi làng họ cư trú.
Làng - là cái phần tự nhiên đã được thuần hóa, đã thành của con người, đã mang tính người, ngược lại với RỪNG. Như vậy, nói gần lại đàn bà không chỉ là "nữ hoàng" của làng mà còn là một phần của tự nhiên đã được thuần hóa, mang tính người, đã ổn định và nó đã trở thành VĂN HÓA. (tất cả những gì không phải là tự nhiên thì là VĂN HÓA).
Nên ĐÀN BÀ có hai khả năng vừa tương đồng, vừa trái ngược: nếu họ bị lạc vào trong rừng, bị trở thành "dại" bị rừng "chiếm", cô gái rừng, người nữ rừng ... tức là họ sống trong môi trường tự nhiên đó là RỪNG, họ sống ngoài mọi chuẩn mục của xã hội, ngoài quy ước, và cũng không cần biết các quy ước ấy.
Như vậy, người đàn bà vừa là tự nhiên vừa là văn hóa. Cái tự nhiên đã được thuần hóa thì trở thành làng, trở thành xã hội, trong cái xã hội ấy lại có nguồn gốc tự nhiên của con người.
Đến đây, phần nào bạn đọc bắt đầu hiểu ra, tại sao xã hội của người Jorai là xã hội mẫu hệ!
- RỪNG: người Jorai nói chung và các tộc người sống trong vùng rừng núi của Cao Nguyên trung phần Việt Nam sống trong rừng, sống cùng rừng, gắn với rừng và hòa (tan) với rừng. "Nền văn minh Jorai là một nền văn minh thảo mộc".
Rẫy và làng là một phần cắt ra từ rừng, lấy đi của rừng bằng rìu và lửa (đúng vừa đủ để sinh tồn không phải tàn phá bằng mọi cách). Mọi thứ trong làng, trong nhà, mọi thứ để sống từ vật chất đến tinh thần, đều làm bằng "rừng", lấy từ rừng: cột nhà, sàn nhà, mái nhà, vách nhà ... cây cột trâu tế Thần, hạt lúa, cây rau ngọn cỏ ... Tất cả đều từ RỪNG. RẪY cũng lấy từ rừng, luân canh rồi trả lại cho rừng.
Đối với cái chết, sau một thời gian chôn cất rồi làm lễ "bỏ mả" tức là họ trả con người ấy về lại cho rừng. Vậy sau cùng, con người cũng trở thành RỪNG. Con người ấy bị vây bọc bởi rừng, từ khi chưa là con người ... cho đến khi không còn là con người nữa.
Vậy, RỪNG không chỉ là không gian mà còn là thời gian, là sự vĩnh hằng, là cõi vô cùng, không thủy không chung, là bản nguyên, là cội nguồn ...
- ĐIÊN LOAN: ông viết "... tôi muốn nói với những ai còn tin rằng con người có thể trở thành điên vì thiếu rừng thật cũng như vì quá dư thừa rừng bị ám". Nên để có một thế cân bằng, thì con người phải đứng mấp mé giữa làng và rừng, giữa văn háo và hoang dã, giữa cô gái - làng và cô gái - rừng, thế đứng bền vững xây dựng trên thế nước đôi bếp bênh, bấp bênh nhưng bền vững.
Họ trở thành điên nếu thiếu "rừng thực", một thứ điên cằn cỗi và khô khốc, tàn rụi vì thiếu nguồn cội, không còn huyền thoại, không còn các cô gái - rừng, không còn nghe tiếng rừng. Họ cũng trở thành điên nếu rừng tràn ngập bao quanh lấy họ, sự hoang dã sẽ lấn át trở lại, ngọn lửa của trí tuệ và văn minh không thể chiếm lấy họ ....
Vậy đó, cuốn sách được viết ngắn gọn trong 366 trang, với lối trình bày rành mạch rõ ràng của một Nhà dân tộc học kinh điển. Nhờ Cố đạo J. Dournes mà các thế hệ hậu sanh được đọc, được biết một số huyền thoại và phong tục tập quán của người Jorai, trong đó có tôi và các cô chú anh chị cầm cuốn sách này trên tay.
-------------
Tóm lược tiểu sử Cố Linh Mục:
Jacques Dournes, Thừa sai họa sĩ (1922-1993)
Là nhà quan sát tinh tế thiên nhiên quanh mình ở điểm truyền giáo Kala (gần Di Linh, Lâm Đồng), Việt Nam, cha Jacques Dournes đã vẽ, chụp hình, phân tích, xếp danh mục.
Nhưng đôi khi ông cũng biết đùa, như loạt tranh vẽ minh họa sự biến mất của con tắc kè trong bụng một con rắn! Từ 12g05, 12g15, 12g50 và kết thúc lúc 13g!
Jacques Dournes có bút danh là Dam Bo, người Jrai gọi là cha Đuốc, người Kinh gọi là cha Đức.
Sinh ngày 27 tháng 5 năm 1922 ở St-Pol-sur-Temoise, thụ phong linh mục ngày 5 tháng 4 năm 1945, năm 1946 đến Sàigòn. Từ năm 1947 đến 1954, ngài truyền giáo ở Di Linh, từ 1955 đến 1970 ở với người Jrai. Trong thời gian này, ngài viết nhiều tác phẩm về truyền giáo học và thần học. Với sự tái tổ chức địa phận Kontum vào năm 1969, miền Jrai được giao cho Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Ngài trở về Pháp, dành thời gian nghiên cứu và viết nhiều sách. Năm 1973, ngài phụ trách nghiên cứu ở C.N.R.S và làm việc ở Laboratoire du CeDRASEMI (Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về Ðông Nam Á và vùng Insulien) do nhà dân tộc học Georges Condominas sáng lập. Năm 1987, ngài nghỉ hưu ở Bagard, dưới chân dãy Cévennes và qua đời ngày 3 tháng 4 năm 1993.
Nhiều sách của ngài đã được dịch sang tiếng Việt như: Pötao, Một Lý Thuyết Về Quyền Lực Ở Người Jörai Đông Dương (Nguyên Ngọc dịch, Nxb. Tri thức, 2013); Miền Đất Huyền Ảo (Nguyên Ngọc dinh, Nxb. Hội Nhà Văn, 2003); Tọa Độ: Cấu Trúc Gia Đình Và Xã Hội Của Người Jorai (Nxb. Thế Giới, 2021); Rừng, Đàn Bà, Điên Loạn (Nxb. Hội Nhà Văn, 2006); … Là nhà dân tộc học nổi tiếng và đôi khi cũng là một nhà truyền giáo vẽ! (https://gpquinhon.org/.../jacques-dournes-thua-sai-hoa-si...)
-----------------------
Cám ơn admin và quý vị 💜
(Phương La Sơn review Pleiku, 15:00 ngày 19/10/2023)