30/10/2024
“INDOCHINA 🇻🇳🇱🇦🇰🇭” CÓ NGUỒN GỐC TỪ ĐÂU?
Đây cũng là một chủ đề thú vị, bởi vì để giải thích nguồn gốc từng tên gọi thì chúng ta phải đi ngược dòng lịch sử, lần theo vết chân khám phá thế giới của người châu Âu và nhìn cách mà họ đặt tên.
Trước tiên cần phải khẳng định "Indo" là cách viết Latin của "Ấn Độ". Mục tiêu của bài viết này là làm rõ 3 điểm:
- Vì sao 3 nước thuộc địa của Pháp được gọi là "Indochina"
- Vì sao lại có nước được đặt tên là "Indonesia"
- Vì sao tiếng Việt gọi 3 nước thuộc địa của Pháp là "Đông Dương"
1) Tên gọi "Indochina"
Khi thám hiểm châu Á, người phương Tây nhận thấy vùng đất nằm giữa Ấn Độ với Trung Hoa chịu ảnh hưởng hòa trộn của 2 trung tâm văn hóa này. Đây là vùng đất mà ngày nay bao gồm 5 nước Đông Nam Á "trên đất liền": Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam. Họ gọi chung vùng đất này là "Indochina" (bán đảo Trung-Ấn).
Cuối thế kỉ 19, người Pháp chiếm được nhiều thuộc địa trên vùng đất này. Các thuộc địa của Pháp được gọi chung là "French Indochina" (bán đảo Trung-Ấn thuộc Pháp). Myanmar thỉnh thoảng được gọi là "British Indochina", tuy nhiên tên gọi này không phổ biến bởi vì Myanmar nằm sát với Ấn Độ, một thuộc địa khác của Anh. Thường người ta gộp chung cả Myanmar với Ấn Độ gọi là "British India".
Qua nhiều chục năm, khái niệm "Indochina của Pháp" ngày càng phổ biến. Khi nói về Indochina, người Pháp chỉ nghĩ tới thuộc địa của họ và bỏ qua Thái Lan và Myanmar. Cách nghĩ này cũng ảnh hưởng tới các nước khác. Điều này tương tự như chữ "America" ngày nay lại gắn liền với nước Mỹ, cho dù nước Mỹ chỉ là một phần của "America" thực sự. Dù sao đi nữa, sau một thế kỉ, khối 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã được gắn với tên Indochina.
2) Nguồn gốc của tên gọi "Indonesia"
Nước Indonesia được đặt tên trong thế kỉ 20, tức là rất lâu sau khi chữ "Indochina" được sử dụng. Chữ "Indo" trong tên nước này cũng có nghĩa là "Ấn Độ". Lý do của việc này là, thời xa xưa, người phương Tây đi biển trong đầu chỉ biết tới ... Ấn Độ. Họ gọi vùng Đông Nam Á là "Đông Ấn" (East Indies), gọi châu Mỹ là "Tây Ấn" (West Indies) hoặc "Ấn Độ mới" (New Indies). Người Hà Lan chiếm được một số thuộc địa ở Đông Nam Á, đặt tên là "Đông Ấn Hà Lan" (Dutch East Indies). Một nhà khảo cổ người Anh đặt ra tên "Indonesia", nghĩa là "quần đảo Ấn Độ". Khi thuộc địa này giành độc lập vào thế kỉ 20, người bản xứ chọn tên nước Indonesia.
3) Tên gọi "Đông Dương"
Người Việt sử dụng chữ "Đông Dương" để chỉ thuộc địa của Pháp ở phương Đông, nhằm phân biệt với "Tây Dương" đó là châu Âu. Ngoài ra còn có chữ "Nam Dương" để chỉ quần đảo Malaysia-Indonesia.